Trả lời phóng viên TBTCVN xung quanh việc công khai thông tin đất đai tới người dân, bà Đỗ Thanh Huyền – chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất chính là sự chủ động của chính quyền địa phương. Các cấp chính quyền cần chủ động niêm yết công khai thông tin về đất đai thay vì phải chờ đến khi công dân yêu cầu.
PV: Bà đánh giá như thế nào về việc công khai thông tin về đất đai của các địa phương tới người dân trong thời gian qua?
Bà Đỗ Thanh Huyền: Chúng tôi có một nghiên cứu thực chứng thường niên về việc thực hiện công khai thông tin về đất đai của chính quyền địa phương tại Việt Nam từ năm 2021 đến nay, nhằm đo lường mức độ tuân thủ của chính quyền địa phương với pháp luật về đất đai và tiếp cận thông tin của Việt Nam.
Kết quả khảo sát năm nay cho thấy, rất nhiều tín hiệu vui, tích cực so với khảo sát trong năm 2021 và 2022 trước đó. Có thể thấy sự tăng trưởng rõ rệt về số lượng đơn vị cấp huyện niêm yết công khai thông tin đất đai.
Cụ thể, về việc công khai bảng giá đất cấp tỉnh, tính đến ngày 6/10/2023, có 73% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đăng tải công khai bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 trên cổng thông tin điện tử của địa phương, tăng 8,1% so với kết quả rà soát năm 2022 và tăng 31,1% so với kết quả rà soát năm 2021.
Về việc công khai thông tin về đất đai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong tổng số 705 UBND cấp huyện trên toàn quốc, có 65,4% đã công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030, tăng 16,5% so với năm 2022. Về tính đầy đủ, trong số các UBND cấp huyện đã công khai thông tin, 54,2% đã đăng tải đầy đủ 3 văn bản bao gồm quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh tổng hợp và bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
Về việc công khai kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, tính đến ngày 6/10/2023, trong số 705 UBND cấp huyện có 65,2% đã thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 trên cổng thông tin điện tử, tăng 17,3% so với năm 2021 và tăng 10% so với năm 2022.
Việc công khai thông tin về đất đai được cải thiện cho thấy sự tăng cường trong trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền địa phương, các địa phương đã nhận thức tốt hơn về nghĩa vụ phải chia sẻ thông tin cho người dân liên quan tới lĩnh vực đất đai.
PV: Luật Đất đai 2024 mới được Quốc hội thông qua. Bà có bình luận gì về những điểm mới trong Luật này liên quan tới vấn đề công khai thông tin về đất đai cho người dân?
Bà Đỗ Thanh Huyền: Theo quy định của Luật Đất đai 2024, một trong những yêu cầu rất căn bản đòi hỏi các cấp chính quyền phải làm rốt ráo trong việc công khai thông tin về đất đai đó là bảng giá đất sẽ được ban hành thường niên vào 1/1 hằng năm, kể từ năm 2026 bắt buộc niêm yết công khai. Đây là một trong những yêu cầu tôi đánh giá rất cao. Tôi cũng cho rằng, đó là sự “tập dượt” cho công tác chia sẻ thông tin trên các môi trường, các kênh khác nhau của các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất được quy định là 10 năm và bắt buộc vẫn phải niêm yết công khai, còn kế hoạch sử dụng đất thường niên bắt buộc niêm yết không chậm hơn 15 ngày so với ngày ban hành. Đây là những yêu cầu rất cần thiết đối với các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Trong trường hợp này, đối với cấp xã sẽ phải niêm yết tại bộ phận một cửa tại UBND cấp xã; đối với cấp huyện, cấp tỉnh thì sẽ niêm yết trên cổng thông tin điện tử cũng như ở trụ sở UBND huyện, tỉnh về bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
PV: Bảng giá đất sẽ được ban hành thường niên vào 1/1 hàng năm. Điều này có ý nghĩa như thế nào tới người dân, thưa bà?
Bà Đỗ Thanh Huyền: Tôi cho rằng điều này giải quyết được hai vấn đề rất quan trọng. Thứ nhất, trước khi niêm yết công khai vào ngày 1/1 hàng năm thì trong năm trước đó, người dân được tham gia đóng góp ý kiến, được nêu lên những vấn đề mà họ quan tâm, chính quyền địa phương phải tham vấn ý kiến của công dân để có thể lên được bảng giá đất thường niên hoặc kế hoạch sử dụng đất thường niên.
Thứ hai, ngày 1/1 là ngày bắt đầu của năm mới và bảng giá được áp dụng cho năm đó. Bảng giá đất ban hành vào ngày đầu tiên của năm mới không chỉ giúp cho cá nhân công dân, mà cả doanh nghiệp tại địa bàn cơ sở mà đang họ đang hoạt động kinh doanh hoặc cư trú có được thông tin để có thể ổn định cuộc sống, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như chuẩn bị cho mọi thay đổi của năm tiếp theo.
PV: Từ góc độ của nhà nghiên cứu và phân tích chính sách, bà có khuyến nghị gì để việc công khai thông tin về đất đai này tới người dân được thuận lợi hơn?
Bà Đỗ Thanh Huyền: Tôi cho rằng vấn đề then chốt nhất đối với các cơ quan ban hành từ cấp tỉnh cho tới cấp cơ sở là phải chủ động. Các cấp chính quyền cần chủ động niêm yết công khai thông tin thay vì phải chờ đến khi công dân yêu cầu. Bởi vì đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thực thi pháp luật về Luật Đất đai, Luật Tiếp cận thông tin và cả Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.
Ngoài việc được tham vấn ý kiến, việc người dân cần được biết thông tin liên quan tới quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để chuẩn bị cho cuộc sống, sinh kế của họ. Điều này cần thực hiện càng sớm càng tốt, thay vì để cho người dân bị động trong quá trình chuẩn bị cho đời sống của họ, sẽ dẫn tới những bức xúc và có thể dẫn tới các khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong rằng Chính phủ sẽ sớm bổ sung thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân vào bộ thủ tục hành chính hiện hành của tất cả các ngành và lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai và có văn bản hướng dẫn cụ thể để cải thiện hơn nữa việc công khai thông tin.
PV: Xin cảm ơn bà!
Nhiều điển hình thực hành tốt trong công khai thông tin về đất đai
Kết quả nghiên cứu thực hiện công khai thông tin về đất đai của chính quyền địa phương năm 2023 do UNDP, Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) công bố cao ngày 12/3 cho thấy, có 18 tỉnh, thành phố đã công khai bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 trong suốt 3 vòng đánh giá.
Các địa phương bao gồm: Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Dương, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP. Hải Phòng. Đồng thời, UBND các tỉnh và thành phố này cũng đã xây dựng chuyên mục thông tin đất đai riêng giúp cho việc tìm kiếm thông tin nhanh chóng và thuận lợi.
Bình Thuận là tỉnh có 100% các huyện công khai cả quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 trên cổng thông tin điện tử. Các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Nam và Kon Tum có 100% huyện công khai quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 trên môi trường mạng. Tương tự, các tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Phước, Ninh Thuận và Phú Yên có 100% huyện đã công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2023.
Theo: Thảo Miên