Thị trường bất động sản 2024 được kỳ vọng ổn định và dự báo sẽ đón nhận sự quay trở lại của khoảng 30-40% môi giới bất động sản. Phân khúc bất động sản nhà ở sẽ dẫn dắt thị trường từ giữa năm 2024, với tổng nguồn cung căn hộ chung cư ước đạt trên 30.000 sản phẩm.
Tỷ lệ hấp thụ cải thiện
Ngày 5/1, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam 2024 với chủ đề “Vượt qua thách thức”. Báo cáo về thị trường bất động sản năm 2023, đại diện Tổ nghiên cứu thị trường của VARS cho hay, năm 2023 là một năm đầy “vất vả” với thị trường bất động sản Việt Nam. Đây là “sự trả giá” cho quá trình phát triển thiếu kiểm soát, kém minh bạch và an toàn của thị trường trong suốt một thời gian dài trước đó.
Theo VARS, có thể nói năm 2023 là năm bùng phát “căn bệnh” khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam, sau một khoảng thời gian “ủ bệnh” khá dài và có dấu hiệu “khởi phát” kể từ tháng 5/2022. Tín hiệu đã cải thiện hơn vào giai đoạn nửa sau của năm, nhưng nhìn chung, năm 2023 là năm khó khăn của thị trường bất động sản nói chung, hoạt động môi giới nói riêng khi hàng nghìn môi giới bất động sản mất việc, bỏ nghề. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 20% môi giới bất động sản đang hoạt động.
Về tình hình chung toàn thị trường, nguồn cung năm 2023 cho thấy sự thiếu hụt, nghèo nàn khi tổng nguồn cung cả năm 2023 chỉ đạt 55.329 sản phẩm, dù tăng 14% so với năm 2022, nhưng chỉ bằng 32% so với năm 2018, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Điểm đáng chú ý là rất hiếm dự án mới được phê duyệt, trong khi hàng nghìn dự án dở dang bị “đắp chiếu” do vướng mắc pháp lý, một lượng không nhỏ dự án bị ngưng trệ vì thiếu vốn, chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Điều tích cực là tỷ lệ hấp thụ tăng dần qua các quý, nhưng lượng giao dịch còn phụ thuộc nhiều vào số lượng nguồn cung.
Sự cải thiện này là nhờ vào 3 yếu tố chính, chủ yếu nhờ vào khách hàng, nhà đầu tư đã bớt bi quan hơn, chủ đầu tư mạnh tay hơn với việc giảm giá và áp hàng loạt các chính sách ưu đãi. Ngoài ra, một số dự án đủ điều kiện mở bán trở lại, tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng, nhà đầu tư.
Đối với bất động sản nhà ở, nhìn chung nền giá vẫn tương đối cao so với cả giá trị thực lẫn khả năng tài chính của người dân, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (giá trung bình căn hộ tại Hà Nội là 51,7 triệu đồng/m2; tại TP. Hồ Chí Minh là 71 triệu đồng/m2).
Phân khúc đất nền, biệt thự, liền kề giá trị lớn chấp nhận tình trạng cắt lỗ từ 30-40% so với đỉnh sốt. Tuy nhiên, tình trạng này cơ bản được kiểm soát và ổn định dần theo thời gian. Tại các địa phương có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, giá bán các phân khúc này đã đi ngang, thậm chí có nơi tăng nhẹ 3-5%.
Bất động sản công nghiệp duy trì vị thế “ngôi sao” dẫn đường
Bất động sản công nghiệp duy trì vị thế “ngôi sao” dẫn đường, năm 2023, cả nước có thêm 7 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động và 13 KCN trong quá trình xây dựng. Nhiều “đại bàng” lớn đến từ Hongkong và Đài Loan (Trung Quốc).
Các KCN, khu kinh tế (KKT) đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 – 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây.
Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt xấp xỉ 30%. Thúc đẩy hạ tầng, kinh tế của địa phương. Tạo tiền đề phát triển nhiều công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội phát triển bất động sản nhà ở, nhà ở cho thuê.
Dự báo về thị trường, tổ nghiên cứu của VARS cho rằng, thị trường bất động sản 2024 được kỳ vọng ổn định được dự báo sẽ đón nhận việc quay trở lại của khoảng 30-40% môi giới bất động sản. Phân khúc bất động sản nhà ở sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản 2024 với tổng nguồn cung căn hộ chung cư ước đạt trên 30.000 sản phẩm; trong đó, Hà Nội 15.000 sản phẩm, TP. Hồ Chí Minh 5.000 sản phẩm và Bình Dương khoảng 10.000 sản phẩm.
Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp vẫn được đánh giá là phân khúc tăng trưởng tốt và tiếp tục là cứ điểm sản xuất kinh doanh mới của các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo đó, dòng vốn FDI vẫn tích cực với lợi thế từ chính sách ưu đãi thuế. Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại với cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc top đầu trong khu vực. Dịch vụ phụ trợ KCN ngày càng được cải thiện.
Nhiều dự án đầu tư KCN mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo. Nguồn cung bất động sản KCN đang chứng kiến sự tăng trưởng ở cả miền Bắc và miền Nam nhu cầu bất động sản công nghiệp vẫn còn rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về các kho nhiều tầng đa dụng và nhà xưởng xây sẵn.
Lực cầu được thúc đẩy cả về chất và lượngvới hàng loạt kế hoạch, thỏa thuận đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, lựa chọn Việt Nam làm điểm đến trong xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng và kỳ vọng tăng cường hợp tác từ hoạt động ngoại giao tích cực, đặc biệt là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ mới được nâng cấp gần đây.
Quy hoạch nhiều tỉnh, thành giai đoạn 2021 – 2030 đã được thông qua sẽ giải quyết phần nào các vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý cho các KCN. Những yếu tố này sẽ giúp bất động sản KCN năm 2024 tiếp tục duy trì vị thế và tiếp tục tăng trưởng.
Theo: Tấn Minh