Những tuyến cao tốc được nối dài, thêm nhiều cây cầu nối những bờ vui, hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thay đổi từng ngày. “Con đường thịnh vượng” không còn là giấc mơ của hàng chục triệu người dân Tây Nam Bộ mà đang dần trở thành hiện thực.
Đường lớn đã mở
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cuối năm 2023, tức là chỉ 1 tháng nữa sẽ có 2 dự án hạ tầng giao thông lớn tại ĐBSCL hoàn thành đưa vào sử dụng, gồm: cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có chiều dài 6,61 km, 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Dự án có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng này được khởi công vào tháng 3/2022 và hiện khối lượng thi công đạt hơn 96% giá trị hợp đồng. Sau khi hợp long cầu chính dây văng vào ngày 14/10, các nhà thầu đang dồn lực thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại, hướng tới mục tiêu thông xe trước 31/12, đáp ứng sự mong chờ của người dân các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và vùng ĐBSCL.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23 km, giai đoạn 1 đầu tư quy mô 4 làn xe, hiện đạt trên 76% khối lượng thi công. Theo Chủ đầu tư, các hạng mục cầu trên tuyến đã cơ bản hoàn thành, công tác thảm nhựa đã thi công được hơn 8 km; hệ thống an toàn giao thông đã được tập kết 80% về công trường và nhà thầu sẽ tăng tốc lắp đặt để Dự án về đích vào cuối năm nay.
Còn nhớ, dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước năm 2022, ĐBSCL đã nhận tin vui khi cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài 51 km, tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng được đưa vào khai thác, giúp các tỉnh Tây Nam Bộ cải thiện năng lực vận tải liên vùng. Khi cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ thông tuyến, “mạch máu” cao tốc từ TP.HCM đến TP. Cần Thơ sẽ nối liền, thông thoáng, rút ngắn thời gian lưu thông còn hơn 2 giờ.
Cũng trên sông Tiền về phía hạ lưu thuộc địa phận 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang với Bến Tre có tổng mức đầu tư 6.810 tỷ đồng đang được tăng tốc xây dựng. Được khởi công tháng 3/2022, dự kiến hoàn thành vào năm 2026, Dự án cầu Rạch Miễu 2 dài 17,6 km, có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Chủ đầu tư), công tác bàn giao mặt bằng đã thực hiện được hơn 13 km, đạt 75,5%, tiến độ phần cầu chính Rạch Miễu 2 đã rút ngắn khoảng 2 tháng so với hợp đồng, dự kiến đến cuối năm 2023 đạt 40% khối lượng.
Ngày 15/10/2023, cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu với tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng được khởi công xây dựng. Dự án nằm trên Quốc lộ 60, dài 15,1 km, gồm 2 cầu chính, đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe, kết nối đôi bờ sông Hậu tại địa phận 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, giúp rút ngắn 80 km hành trình từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về TP.HCM. Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 qua luồng Định An dài hơn 2,5 km, rộng 19 m, có phần cầu chính dạng dây văng, 2 trụ tháp cao 110 m, nhịp chính 450 m, lớn thứ hai Việt Nam. Cầu Đại Ngãi 2 dài 862 m, dạng đúc hẫng cân bằng qua luồng Trần Đề, mặt cầu rộng 17,5 m. Dự kiến, Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi sẽ hoàn thành năm 2026 và là cầu dây văng thứ 3 bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ và Vàm Cống.
Bên cạnh những cây cầu, hạ tầng giao thông vùng đất “Chín Rồng” đang lột xác từng ngày với các dự án đường cao tốc như: Dự án thành phần (DATP) đoạn Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh – An Hữu. Trong đó, DATP đoạn Cần Thơ – Hậu Giang có chiều dài khoảng 37,65 km, tổng mức đầu tư hơn 10,37 nghìn tỷ đồng. DATP đoạn Hậu Giang – Cà Mau có tổng mức đầu tư hơn 17 nghìn tỷ đồng, chiều dài 73,2 km. Trong khi đó, cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có chiều dài 188,2 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Với cao tốc trục ngang Cao Lãnh – An Hữu, chỉ tính riêng DATP 1 đã có tổng chiều dài tuyến là 27,4 km, vốn đầu tư 5.886 tỷ đồng. Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, các dự án cao tốc này đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Trong tương lai gần, những mảnh ghép hạ tầng giao thông ĐBSCL sẽ được hoàn thiện, tạo các trục dọc kết nối TP.HCM với ĐBSCL và các trục ngang kết nối nội vùng. Diện mạo hạ tầng giao thông tươi mới không chỉ nâng cao năng lực vận tải mà còn tạo sức hút mới, đột phá mới cho kinh tế – xã hội của vùng.
Hướng tới tương lai thịnh vượng
Đầu tư cao tốc là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển hạ tầng, kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ trương ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo sức lan tỏa, dư địa phát triển đột phá cho ĐBSCL trong những năm tới.
Nhân dịp khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lân phát biểu: Hệ thống đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL đã hoạch định đến năm 2050 có 1.188 km, phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 3 trục dọc và 3 trục ngang. Trong đó, đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km. Hiện nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 90 km, đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458 km. Dự kiến, đến năm 2025, ĐBSCL có khoảng 548 km đường bộ cao tốc.
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, gồm các tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bắc – Nam phía Tây, TP.HCM – Sóc Trăng, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, Hồng Ngự – Trà Vinh”. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách đột phá, tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong bức tranh quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năn 2050 của các địa phương tại ĐBSCL, phần không thể thiếu là nội dung hoạch định, tổ chức không gian kinh tế để phát huy tốt nhất lợi thế các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc, cầu, cảng biển mang lại. Trong nhiều dịp trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, lãnh đạo các tỉnh, thành như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng đều đánh giá cao những đổi thay của hệ thống hạ tầng giao thông ĐBSCL và khẳng định các công trình giao thông lớn sẽ mang lại sự phát triển đột phá, vươn tới thịnh vượng cho vùng trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Trước mắt, Tỉnh quy hoạch không gian phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại – dịch vụ, du lịch… gắn với trục đường kết nối trực tiếp với cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Đến năm 2030, tầm nhìn 2050, An Giang sẽ hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đô thị bám sát trục cao tốc, khai thác tối đa lợi thế hạ tầng giao thông nhằm tạo đột phá mới về phát triển kinh tế. Kỳ vọng cao tốc sẽ gỡ thế chia cắt vì nằm sâu trong nội vùng, khai phóng các dư địa để phát triển đột phá, tăng nhanh quy mô kinh tế”.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá: Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm hình thành tạo nền tảng tái cơ cấu không gian phát triển kinh tế, kết nối liên thông giữa các đô thị, các cực tăng trưởng vùng ĐBSCL. Tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm đến khu vực đường dẫn cuối tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng với cảng biển Trần Đề, cảng cửa ngõ vùng Tây Nam Bộ. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trọng yếu bảo đảm liên kết vùng và kết nối với tuyến cao tốc tại khu vực cảng Trần Đề. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển là đô thị, công nghiệp, dịch vụ logistics, môi trường… Đặc biệt, Tỉnh sẽ sớm hoàn thành các thủ tục để kêu gọi đầu tư vào cảng biển nước sâu Trần Đề.
Theo Ngọc Tuấn