Sau gần 20 năm thành lập tỉnh, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang phát triển khá nhanh về số lượng, chất lượng, cũng như diện mạo của 8 huyện, thị, thành có nhiều thay đổi, khởi sắc và khang trang hơn. Khi mới thành lập, tỉnh Hậu Giang chỉ có 9 đô thị (8 đô thị loại V và 1 đô thị loại IV), đến nay đã có 18 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 15 đô thị loại V). Tốc độ đô thị hóa từ 24,2% năm 2014, đến nay tăng lên 29,75% và phấn đấu đến năm 2025 đạt tối thiểu 32%. Hiện nay, Tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng, phát triển các đô thị theo hướng thông minh, hiện đại, mang đặc trưng vùng sông nước. Phát triển đô thị được xác định là một trong bốn khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Đón tuổi 20 đầy sức sống và khát vọng, Báo Hậu Giang giới thiệu diện mạo các đô thị qua góc nhìn flycam.
Thành phố Vị Thanh – tỉnh Hậu Giang
Nhìn từ trên cao, thành phố trẻ Vị Thanh, đô thị loại II của tỉnh như một bức tranh với nhiều gam màu sáng, trên đường hội nhập và phát triển, đón đầu vận hội mới trong tương lai. Là đô thị trung tâm của vùng Tây sông Hậu, thành phố có vị trí thuận lợi, giàu tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa du lịch và kết nối liên vùng. Vì thế, Vị Thanh đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản, đô thị… Quá trình phát triển Vị Thanh được xác định là đô thị hạt nhân, là cực phát triển phía Tây của tỉnh, là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng an ninh.
Thành phố Ngã 7 – tỉnh Hậu Giang
Là đô thị loại III, trung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội lớn thứ hai của tỉnh sau thành phố Vị Thanh, qua góc nhìn flycam, Bảy nhánh sông hội tụ tạo thành nét đặc trưng của thành phố Ngã Bảy, khó nơi nào có được. Cùng với các dự án giao thông ra đời giúp kết nối liên vùng, đô thị miền sông nước hôm nay mang tầm vóc mới của đô thị văn minh, hiện đại, nơi có bài ca vọng cổ nổi tiếng “ tình anh bán chiếu”. Ngã Bảy phấn đấu đến năm 2025, thành phố trở thành một trong những trung tâm thương mại, du lịch của tỉnh.
Thị xã Long Mỹ – tỉnh Hậu Giang
Cùng với các đô thị trung tâm, thị xã Long Mỹ đang chuyển mình mạnh mẽ. Tổng đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế – xã hội thị xã Long Mỹ từ năm 2015 đến nay hơn 722 tỉ đồng. Định hướng phát triển không gian theo 3 hướng. Lấy sông Cái Lớn làm trục trung tâm, từng bước xây dựng thị xã Long Mỹ trở thành một trong những đô thị vệ tinh nổi bật trong tiểu vùng Tây sông Hậu, giữ vai trò thúc đẩy kinh tế – xã hội không chỉ của tỉnh mà cho cả khu vực phát triển.
Huyện Phụng Hiệp – tỉnh Hậu Giang
Có thể nói, Phụng Hiệp là vùng đất giàu tiềm năng của tỉnh, qua 20 năm xây dựng và phát triển huyện Phụng Hiệp có diện mạo mới, có nhiều khởi sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội từng bước hòa nhập vào sự phát triển chung của tỉnh. Theo chương trình phát triển đô thị tỉnh Hậu Giang đến năm 2030 phát triển đô thị Cây Dương đạt tiêu chí đô thị loại IV, các đô thị còn lại tiếp tục được đầu tư và nâng cao chất lượng. Phụng Hiệp là huyện có diện tích lớn nhất và dân số đông nhất tỉnh Hậu Giang.
Huyện Châu Thành – tỉnh Hậu Giang
Một góc thị trấn văn minh đô thị Ngã Sáu nhìn từ trên cao. Không riêng thị trấn Ngã Sáu, một đô thị khác của huyện Châu Thành là thị trấn Mái Dầm cũng được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại.Với định hướng “1 Tâm” của tỉnh, huyện Châu Thành từng bước khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp, đô thị tỉnh nhà.
Huyện Châu Thành A – tỉnh Hậu Giang
Huyện Châu Thành A có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 4 thị trấn: Một Ngàn (huyện lỵ), Bảy Ngàn, Cái Tắc, Rạch Gòi và 6 xã: Nhơn Nghĩa A, Tân Hòa, Tân Phú Thạnh, Thạnh Xuân, Trường Long A, Trường Long Tây.
Hiện nay, Châu Thành A là một trong hai huyện có số thị trấn nhiều thứ hai cả nước (cùng với huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa với 4 thị trấn trực thuộc).
Thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A vừa về đích đạt chuẩn văn minh đô thị nâng cao. Đường sá được đầu tư nâng cấp khang trang tạo thuận lợi cho việc lưu thông của người dân. Huyện Châu Thành A, được xác định là có đa dạng nguồn tài nguyên từ tự nhiên (sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp). Về hệ thống giao thông đường thủy có tuyến kênh xáng Xà No, đường bộ có tuyến Quốc lộ 61C nối liền với thành phố Cần Thơ, rất thuận lợi cho việc phát triển đô thị, các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của Tỉnh.
Huyện Vị Thủy – tỉnh Hậu Giang
Huyện Vị Thủy là huyện tiếp giáp với trung tâm kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội của Tỉnh, với lợi thế của “vùng giáp ranh” thời gian gần đây, huyện Vị Thủy có sự “chuyển mình” mạnh mẽ trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, Đô thị…
Huyện Long Mỹ – tỉnh Hậu Giang
Huyện Long Mỹ được chia tách từ năm 2015 cho đến này. Thời gian qua, địa phương đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết quả mang lại những chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ thiết thực đời sống người dân. Tập trung nhất là lĩnh vực giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, các chợ,… Theo chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025 thịtrấn Vĩnh Viễn, đô thị Xà Phiên và Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ vẫn giữnguyên loại V, tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng theo hướng văn minh,hiện đại, mang dấu ấn đặc sắc của Vùng ĐBSCL, gắn kết giữa phát triển đôthị với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, đặc thù tự nhiên.
Khát vọng của tỉnh Hậu Giang
Tỉnh Hậu Giang hôm nay, có nhiều điều để nói về khát vọng và những thành tựu đã hiện thực hóa các khát vọng. 20 năm thành lập, trong từng giai đoạn tỉnh đều có khát vọng phát triển xứng tầm với kỳ vọng của Trung ương, tiềm năng, thế mạnh và khả năng của mình. Giai đoạn 2004-2005, với quan điểm “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, củng cố thế trận lòng dân – xem đây là nền tảng để xây dựng Hậu Giang phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, tỉnh đã vận động, cùng với ngân sách nhà nước và góp thêm vào của người có công xây dựng 1.842 nhà tình nghĩa… Khi nền tảng lòng dân vững chắc, Hậu Giang tập trung cho các lĩnh vực khác với khát vọng cháy bỏng. Đó là cũng liên quan đến đời sống người dân nông thôn, Hậu Giang quyết tâm và xây dựng thành công xã nông thôn mới đầu tiên ở ĐBSCL và cả nước – xã Đại Thành (năm 2013), thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy). Và Ngã Bảy cũng là đơn vị cấp huyện đầu tiên hoàn thành chuẩn nông thôn mới ở đồng bằng (năm 2015). Với khát vọng thoát khỏi vùng trũng về giáo dục – đào tạo, “ai cũng được học hành”, chỉ sau 15 năm thành lập, Hậu Giang hoàn thiện hệ thống trường lớp. Từ 8 trường đạt chuẩn vào năm 2004, năm 2019, toàn tỉnh có 215/336 trường đạt chuẩn quốc gia, so thời điểm mới thành lập tỉnh tăng 207 trường, gấp 25 lần. Hậu Giang trở thành điểm sáng trong khu vực về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh không còn phòng học tre lá, tạm bợ, xóa trắng xã không có trường mầm non, mẫu giáo vào năm 2013, 100% trường học có bố trí máy vi tính, mạng internet được kéo về tận trường… Khát vọng một Hậu Giang có thế hệ lãnh đạo quản lý, điều hành, quán xuyến kinh tế nổi trội, năm 2010, Hậu Ginag có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 13/63 tỉnh, thành; năm 2022, càng đậm nét hơn với thứ hạng 12…Một thống kê gần nhất cho thấy, nửa nhiệm kỳ qua (đến cuối năm 2022), GRDP bình quân đầu người của Hậu Giang là 65,89 triệu đồng/người/năm, so chỉ tiêu cả nhiệm kỳ là 84,52 triệu đồng/người/năm…Còn nữa những dấu son Hậu Giang ghi dấu trên bản đồ nước Việt! Những con số ấn tượng trên nền tảng vững chắc sẽ đưa Hậu Giang sớm đến đích tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL mà Đại hội Đại biểu tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 khát vọng!