Cao tốc Cần Thơ Cà Mau là điểm nóng cùng các Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đang được các ngành, địa phương đang nỗ lực sớm hoàn thiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Gỡ vướng cho các vị trí cầu lớn, nút giao cao tốc Cần Thơ Cà Mau
Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn cao tốc Cần Thơ Cà Mau qua Hậu Giang hơn 63km, tương đương 57% tổng chiều dài toàn tuyến. Có 2.067 hộ dân và 10 tổ chức quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất thu hồi trên 361ha. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hiện nay đã bàn giao mặt bằng dự án với diện tích là 335,58/361,53ha, hơn 92% tổng diện tích đất phải thu hồi của dự án.
Trong đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang là 92,2%, dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau là 93,8%. Tính đến ngày 13-3 còn vướng 16 vị trí chưa thông tuyến, chưa có mặt bằng cho đơn vị thi công vận chuyển thiết bị cơ giới đi qua để đến điểm có mặt bằng thi công, tổng chiều dài khoảng 188m. Trong đó, địa bàn huyện Châu Thành còn vướng 2 vị trí. Huyện Phụng Hiệp còn vướng 7 vị trí. Địa bàn huyện Vị Thủy còn vướng 1 vị trí. Địa bàn huyện Long Mỹ còn vướng 6 vị trí.
Theo ông Nguyễn Huy Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang, đối với các vướng mắc về chuyên môn, pháp lý, Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ thống kê từng trường hợp cụ thể gửi về Ban Chỉ đạo các huyện và báo cáo đề xuất cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Trong ngày 17-3, Sở sẽ tổng hợp, báo cáo đề xuất về Chủ tịch UBND tỉnh xem xét đối với các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp sau ngày 1-7-2006, trường hợp về giao đất ở tái định cư, các hộ mặt tiền Quốc lộ 1A… Đối với các vị trí chưa thông tuyến, kiến nghị Ban Chỉ đạo, UBND cấp huyện hỗ trợ vận động các hộ này trước mắt cho xe máy thi công đi qua để đến điểm có mặt bằng thi công trong tháng 3.
Về tiến độ phê duyệt hồ sơ dự toán di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đối với đường dây trung hạ áp và trạm biến áp đã phê duyệt và chi trả bồi thường xong, hiện nay Công ty Điện lực Hậu Giang đang vận chuyển cột điện đến các vị trí bị ảnh hưởng để di dời. Đối với đường ống cấp nước và các tuyến cáp viễn thông, cây xanh và hệ thống đèn chiếu sáng, Phòng Tài nguyên và Môi trường đang thẩm định. Riêng đường điện cao thế, đơn vị tư vấn đã lập xong hồ sơ thiết kế – dự toán và đã thông qua góp ý lần 1.
Trong buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Hậu Giang, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, ông Lê Đức Tuân đề xuất: UBND tỉnh, các ngành và địa phương tập trung ưu tiên gỡ vướng tại các vị trí cầu lớn, các nút giao. Bên cạnh đó, 4 khu tái định cư phục vụ cao tốc đang triển khai nhưng chưa hoàn thành, do vậy kiến nghị các huyện có dự án đi qua xem xét lại các nền tái định cư sẵn có trên địa bàn, ưu tiên bố trí tạm cho các trường hợp cấp bách về nhà ở, trong đó có các hộ tại nút giao IC3. Đối với đường dây điện đề nghị Công ty Điện lực Hậu Giang di dời sớm, ưu tiên tại các vị trí cầu lớn, nút giao để đảm bảo an toàn thi công.
Dồn lực thực hiện dứt điểm cao tốc Cần Thơ Cà Mau
Hiện nay, các địa phương đang dồn lực giải quyết nhanh các khó khăn liên quan đến mặt bằng dự án. Theo UBND huyện Châu Thành, cao tốc Cần Thơ Cà Mau qua địa bàn huyện khoảng 8,5km với 377 hộ ảnh hưởng và đã được phê duyệt xong, đến ngày 15-3 chỉ còn 16 hộ chưa giao mặt bằng. Huyện đã sớm thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyến cao tốc qua địa bàn. Tuyên truyền về chính sách, pháp luật đất đai có liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân hiểu và đồng thuận cao.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: Nhìn chung, thời gian qua người dân chấp hành tốt khâu bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công thực hiện dự án. Tuy nhiên, vẫn còn yêu cầu xoay quanh vấn đề về giá đất, giá cây trồng và vật kiến trúc, yêu cầu xem xét thu hồi một số phần đất ngoài ranh cao tốc do không còn đủ điều kiện để ở hoặc canh tác, yêu cầu về bố trí tái định cư…
Đối với các kiến nghị của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát, xem xét, đối chiếu để đảm bảo thực hiện đúng và đủ chế độ bồi thường cho người dân theo quy định pháp luật. Những kiến nghị về giá, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra kỹ và đầy đủ, không để xảy ra trường hợp thiếu sót ảnh hưởng đến bà con. Những khó khăn ngoài thẩm quyền, UBND huyện sẽ tham mưu Huyện ủy trình cơ quan thẩm quyền xem xét.
Tương tự, huyện Phụng Hiệp cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án, trong đó tập trung cho các nút giao IC3, IC4. Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Chúng tôi đã bàn giao trên 90% diện tích. Tuy nhiên còn một số điểm phải giải quyết tái định cư, trước mắt chúng tôi sẽ giải quyết khâu tạm cư sớm nhất để bà con di dời khỏi phạm vi thi công trong thời gian sớm nhất”.
Mới đây, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn từng vị trí cụ thể trên 2 dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau. Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị 4 huyện có dự án đi qua là Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ, khẩn trương giải quyết từng trường hợp còn vướng tại các vị trí nút giao, các cầu trên tuyến.
Đối với đường dây trung hạ áp và trạm biến áp đã phê duyệt và chi trả bồi thường xong, đề nghị Công ty Điện lực Hậu Giang khẩn trương di dời. Hàng tuần hoặc chậm nhất là 10 ngày, UBND tỉnh sẽ có buổi làm việc với các ngành, địa phương nghe báo cáo lại tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 2 dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau, thuộc Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn cao tốc Cần Thơ Cà Mau để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Nguồn: Báo Hậu Giang