Bất động sản Hậu Giang ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ hàng loạt những quyết sách tháo gỡ của Chính phủ. Hậu Giang đang hội đủ các điều kiện hấp dẫn cho những nhà đầu tư lớn đón đầu cơ hội vàng.
Yêu cầu tất yếu cho bất động sản Hậu Giang
“Pháp lý, vốn, cơ cấu sản phẩm” là 3 trong số nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Trong đó, gốc rễ của những khó khăn hiện tại đối với thị trường một phần do tắc nghẽn nguồn vốn. Do vậy, từ đầu năm đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành đã vào cuộc quyết liệt nhằm gỡ khó thị trường như: Triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, Nghị định số 08, Nghị quyết 33, Nghị định 10, lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai… Với sự chủ động và linh hoạt này, thị trường đã có những tín hiệu khả quan, kỳ vọng sẽ phục hồi sớm vào cuối năm nay.
Tại khu vực Tây Nam bộ, dư địa cho việc phát triển bất động sản vẫn còn lớn, nhất là sản phẩm đầy đủ pháp lý và chính sách ưu đãi. Những tháng đầu năm nay, nơi đây nhận được sự ưu tiên của các nhà đầu tư muốn đảm bảo sinh lời bền vững bằng giá trị thực. Với vốn đầu tư công dự kiến giai đoạn 2021-2025 tăng 23,3%, dự báo khu vực sẽ tiếp tục hút sóng trong thời gian tới.
Trong dòng chảy đầu tư đó, Hậu Giang với lợi thế về vị trí địa lý, cùng những quyết sách bài bản, trở thành điểm sáng và là điểm đến của những nhà đầu tư uy tín, có đủ tiềm lực tài chính cũng như dự án chất lượng để phát triển. Ông Phan Vĩnh Lộc, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, cho rằng: Phát triển đô thị là một yêu cầu tất yếu, quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thời gian qua, tỉnh đã có những bước đi căn cơ, bài bản trong phát triển đô thị nhằm tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế – xã hội của tỉnh nói riêng, với khu vực ĐBSCL và cả nước nói chung.
Trải qua giai đoạn biến động toàn thị trường bất động sản, nhưng nhờ chủ động và nhanh chóng nắm bắt thị trường, Hậu Giang vẫn là một trong những địa phương sáng giá của ĐBSCL với hàng loạt dự án đã và đang triển khai của các đơn vị như: Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng (DIC), Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, Công ty TNHH sản xuất thương mại Minh Trí… đầu tư các khu đô thị, công trình thương mại – dịch vụ ở thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và các trung tâm huyện nhất là khu vực Châu Thành, Châu Thành A.
Đánh giá về môi trường kinh doanh bất động sản Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng, cơ hội về bất động sản Hậu Giang rất đặc biệt “đất lành chim đậu”. Sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương, người dân rất ủng hộ. Phương châm “2 nhanh”, “3 tốt” cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh trong việc mời gọi, thu hút đầu tư cho bất động sản Hậu Giang”.
Cũng theo ông Tuấn, để phát triển đô thị cần chú ý đến việc khơi dậy, tôn vinh và phát huy bản sắc, nét văn hóa trong kiến trúc đô thị của mỗi địa phương nên tạo sự khác biệt, chứ không nên rập khuôn. Trong những đô thị cần có trung tâm lưu trú để phát triển thu hút du khách. Ngoài ra, hướng tới đô thị sạch, xanh, thông minh…
Bất động sản Hậu Giang Đón vận hội mới
Có thể thấy, các dự án giao thông trọng điểm đang và sắp triển khai góp phần gỡ nút thắt về hạ tầng cho bất động sản Hậu Giang trong tương lai. 2 tuyến cao tốc (khoảng 100km) đi qua địa bàn tỉnh (cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dự kiến hoàn thành trước năm 2025)… Đặc biệt, quỹ đất tại Hậu Giang vẫn còn dồi dào, mức giá thấp, nhất là chưa bị ảnh hưởng bởi các cơn “sốt đất”.
Công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị ngày càng đi vào nề nếp, tăng về số lượng lẫn chất lượng. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu trên diện tích đất lập quy hoạch chung đạt khoảng 62,6%, quy hoạch chi tiết đạt 37,9%. Đây chính là tiền đề cho bất động sản Hậu Giang thu hút đông đảo cư dân đến an cư lập nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh hiện có 18 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 15 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 29,75%. Các dự án phát triển đô thị, nhà ở thương mại là một trong những yếu tố tác động tích cực đến tốc độ phát triển đô thị, tạo thêm diện mạo mới cho đô thị, góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Chất lượng các đồ án quy hoạch trên địa bàn tỉnh được tổ chức lập cơ bản đảm bảo về trình tự, thủ tục trước khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, sức hút du lịch mạnh mẽ còn là đòn bẩy tăng trưởng giá trị bất động sản Hậu Giang nhờ đóng góp vào nền kinh tế chung. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 26-11-2021 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 104 ngày 16-5-2022 về thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 24-01-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng, phát triển hài hòa cho bất động sản Hậu Giang giữa đô thị và nông thôn, con người và thiên nhiên, bảo vệ tốt môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 sẽ đạt trên 32%.
“Tất cả các nhà đầu tư được đối xử bình đẳng, công bằng trong tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn. Tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại doanh nghiệp, cà phê doanh nhân, để lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Công khai minh bạch các chương trình, dự án; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng. Cách làm này, đã và đang được nhà đầu tư đồng tình và an tâm kinh doanh, đầu tư”, ông Nguyễn Văn Hòa khẳng định.
Bài : MỘNG TOÀN