Công trình âu thuyền Cái Khế góp phần chống ngập khu vực trung tâm Cần Thơ

au-thuyen-cai-khe

(CTO) – Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, nhà thầu công trình xây dựng âu thuyền Cái Khế (gói thầu thuộc Dự án 3) đã thực hiện đóng cống âu thuyền từ chiều ngày 30-10, góp phần chống ngập ở các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố (chủ yếu quận Ninh Kiều, một phần quận Bình Thủy) trước đợt triều cường Rằm tháng 9 âm lịch.

âu thuyền cái khế
Cống ngăn triều – âu thuyền Cái Khế đã đóng góp phần chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố.

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng ngày 31-10 nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố đã không còn ngập hoặc ngập sâu như những ngày trước của đợt triều cường Rằm tháng 9 âm lịch này. Việc không còn ngập sâu ở nhiều tuyến đường đã giúp người dân đi lại dễ dàng, hoạt động kinh doanh, mua bán cũng thuận lợi hơn.

Theo Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, cống ngăn triều – âu thuyền Cái Khế là công trình thủy lợi – giao thông cấp III, hình thức cống hở; xây dựng trên rạch Cái Khế, tuyến công trình được đặt giữa vị trí cầu Ninh Kiều và Trung tâm Thương mại Cái khế và cách cầu Ninh Kiều 317m. Đến nay, tiến độ thi công công trình xây dựng âu thuyền Cái Khế đã đạt gần 70%, giá trị thực hiện được hơn 280 tỉ đồng, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm nay.

Ngoài ra, gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều (Dự án 3), tập trung cải tạo hệ thống thoát nước ở 32 tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều và 2 trạm bơm, để tạo thông thoáng, thoát nước thuận lợi và thảm lại mặt đường đảm bảo mỹ quan đô thị. Đến nay, gói thầu này nhà thầu đã thi công thảm nhựa hoàn thiện cơ bản toàn bộ mặt đường các tuyến đường, cũng góp phần giảm ngập ở các tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố.

Dự án 3, vốn vay của Ngân hàng Thế giới, có tổng mức đầu tư hơn 9.167 tỉ đồng (bao gồm vốn vay và vốn đối ứng), thời gian thực hiện đến ngày 30-6-2024. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP Cần Thơ, góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi trung tâm của thành phố (quận Ninh Kiều và một phần quận Bình Thủy) trước rủi ro do ngập lụt, tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới phát triển.

Sáng nay, nhiều tuyến đường đã không còn ngập hoặc ngập sâu như những ngày trước của đợt triều cường Rằm tháng 9 Âm lịch. Trong ảnh: Tuyến đường Trần Văn Hoài trước đây thường ngập sâu khi triều cường lên, nhưng sáng nay nước thấp.

Theo Anh Khoa

Compare listings

So sánh