Từ chỉ có vài chục doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp thành phố Cần Thơ, đến nay tỉ lệ lấp đầy gần 70%, với giá trị sản xuất gần 30.000 tỷ đồng.
Năm 2004, tỉnh Cần Thơ được tách ra thành tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ. Trong đó, TP Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau 20 năm phát triển, TP Cần Thơ là một trong những địa phương có kinh tế dẫn đầu khu vực. Trong đó, công nghiệp đóng góp hơn 31% GDP, theo số liệu năm 2022.
Công nghiệp Thành Phố Cần Thơ. Trung tâm công nghiệp miền Tây
Từ sau khi được công nhận thành phố trực thuộc trung ương, Cần Thơ xem việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, dịch vụ, giảm nông nghiệp là trọng tâm. Năm 2004, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn là hơn 11.000 tỷ đồng. Con số này tăng gần gấp ba sau 20 năm. Tốc độ tăng bình quân của ngành công nghiệp giai đoạn 2004 – 2007 là 24,27%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của vùng. Giai đoạn 2007-2010, con số này là 19,31% mỗi năm. Những năm 2011-2015 đạt 6,32% và 2016-2020 tăng trưởng 6,07%.
Địa phương bắt đầu hình thành các khu công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho người dân ngay từ thời gian đầu phát triển. Hiện có 6 khu công nghiệp Thành Phố Cần Thơ như Thốt Nốt (600 ha), Trà Nóc 1 (100 ha), Hưng Phú 1 (262 ha),… đạt tỷ lệ lấp đầy 68%. Các khu công nghiệp này thu hút 256 dự án đầu tư, cho thuê 393,5 ha đất công nghiệp, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1.656 tỷ USD. Qua đó mang đến việc làm cho 43.177 lao động. 7 tháng đầu năm nay, 6 khu công nghiệp tạo ra doanh thu 1,3 tỷ USD.
Ngoài các khu công nghiệp Thành Phố Cần Thơ còn có nhiều cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất đang giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Công nghiệp Thành Phố Cần Thơ hình thành và phát triển tập trung chủ yếu ở các quận Bình Thủy, Cái Răng và Ô Môn. Đây là các vùng cửa ngõ, có nhiều thuận lợi trong giao lưu, kết nối với các tỉnh lân cận. Trong đó, các ngành được xem là trọng điểm, đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Tây là công nghiệp thực phẩm, đồ uống, thủy sản xuất khẩu, thức ăn chăn nuôi, xay xát gạo, chế biến gỗ, giấy, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng,…
Sự tăng trưởng công nghiệp Thành Phố Cần Thơ nhiều năm qua đến từ sức hút của thành phố trẻ, năng động. Đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông tăng tính kết nối với các địa phương lân cận.
Trong tương lai, mạng lưới kết nối giao thông thành phố dự kiến còn tiếp tục mở rộng, nâng cấp với 3 tuyến cao tốc, 6 tuyến quốc lộ, một tuyến liên tỉnh, 20 tuyến đường tỉnh, cùng trục chính đô thị và tuyến vành đai. Ngoài ra, địa phương còn có mạng lưới giao thông đường thủy đảm bảo lưu thông tàu đến 20.000 tấn, có cảng hàng không quốc tế. Đây là tiền đề để thúc đẩy công nghiệp Thành Phố Cần Thơ tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, không chỉ có mảng sáng, nền công nghiệp Thành Phố Cần Thơ được đánh giá còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu là vừa và nhỏ. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Vốn FDI đổ vào các dự án nằm ở nhóm thấp trong số các thành phố trực thuộc trung ương. Thành phố có 29 dự án FDI, tính đến hết tháng 9, trong khi Đà Nẵng có hơn 100, Hải Phòng hơn 700. Hà Nội và TP HCM luôn nằm trong top đầu về hút vốn FDI.
Công nghiệp Thành Phố Cần Thơ kỳ vọng bứt phá trong tương lai
Tháng 9/2023, VSIP khởi công dự án Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh – VSIP Cần Thơ (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) có tổng quy mô 900 ha. Giai đoạn một, dự án có diện tích 293,7 ha, tổng vốn đầu tư 3.718 tỷ đồng. Đây là khu công nghiệp lớn nhất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (không tính Long An), dự báo sẽ tạo động lực đưa Công nghiệp Thành Phố Cần Thơ tăng trưởng.
VSIP Cần Thơ định hướng thu hút các nhóm ngành: điện – điện tử, sản xuất – lắp ráp phương tiện vận tải, cơ khí sản xuất, sản phẩm phụ trợ công nghiệp kỹ thuật, dệt may, thực phẩm – đồ uống, hậu cần – kho bãi. Hạ tầng hoàn thiện với viễn thông, an ninh – quản lý 24/7, nước cấp đạt mức 45.000 m3 mỗi ngày, hệ thống xử lý nước thải, trung tâm thương mại. Ngay khi khởi công, 9 doanh nghiệp gồm Daewon Cantavil, Đại Việt, East Rise, Geppexim, Bánh Pháp Plant-Based, Sembcorp, Transimex, Yong Long, Yong Mei đã ký ghi nhớ hợp tác. Khi hoàn thành, khu công nghiệp này dự kiến thu hút 3,5 tỷ USD vốn FDI, gấp hơn 5 lần tổng vốn FDI hiện tại. 100.000 người có việc làm, gấp đôi lượng lao động tại 6 khu công nghiệp hiện hữu.
Ông Koh Chiap Khiong, Giám đốc điều hành Sembcorp Industries thị trường Singapore và Đông Nam Á cho biết VSIP dự định phát triển dựa trên thế mạnh của Cần Thơ, định hướng trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm. Đơn vị thiết lập mạng lưới hậu cần từ trung tâm đến cảng với các cơ sở bổ sung để hỗ trợ và tăng cường nhu cầu về chuỗi cung ứng của khách thuê. Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn VSIP phát triển thành một khu công nghiệp bốn trong một – tích hợp trung tâm công nghiệp, trung tâm công nghệ cao, trung tâm dịch vụ và khu dân cư.
Đánh giá về dự án, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, VSIP sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội Cần Thơ, vùng tứ giác Long Xuyên. Tiếp giáp ba tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, VSIP Cần Thơ dễ dàng kết nối hệ thống cảng, sân bay và các tiện ích của trung tâm thành phố. Không chỉ công nghiệp, thương mại dịch vụ cũng được hưởng lợi, tạo ra cú huých quan trọng góp phần thay đổi, đưa Cần Thơ phát triển xứng với tiềm năng, vị thế trung tâm miền Tây.
Sự hình thành của VSIP Cần Thơ là cột mốc quan trọng trong quá trình đưa Tây đô thành trung tâm công nghiệp của vùng. Trong đó, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tập trung phát triển các ngành chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thành phố dự kiến dành 75.000 – 80.000 tỷ đồng để đầu tư vào chiến lược này. Vốn ngân sách là 13.500 – 17.600 tỷ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp, tín dụng, FDI,…
Trong quy hoạch thành phố đến năm 2030 vừa công bố ngày 20/10, Cần Thơ có ba vùng kinh tế. Trong đó, một phần các quận Ô Môn, Thốt Nốt và một phần các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh sẽ là vùng động lực phát triển kinh tế mới phía bắc, được định hướng thành đô thị sinh thái cao cấp, đô thị công nghiệp, cảng thương mại, dịch vụ, logistics. Dự kiến đến 2030, địa phương Tây Nam Bộ có 10 khu công nghiệp, diện tích hơn 2.300 ha.
Theo: Hoài Phương