(TBTCO) – Các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản bán lẻ đang dần sôi động trở lại khi nguồn cung phát triển với nhiều trung tâm thương mại đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của các thương hiệu bán lẻ lớn đang mở rộng thị phần.
Bất động sản bán lẻ tăng nguồn cung
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), 6 tháng cuối năm 2023, nguồn cung dồi dào từ các dự án trung tâm thương mại quy mô lớn đáp ứng nhu cầu mở mới, mở rộng địa điểm kinh doanh của các “ông lớn” bán lẻ, hứa hẹn tương lai tích cực cho thị trường bất động sản bán lẻ.
Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh, dự kiến có 3 dự án ở khu vực ngoài trung tâm sẽ đi vào hoạt động với diện tích cho thuê khoảng 66.000 m2. Đáng chú ý, nguồn cung phân khúc bất động sản bán lẻ đến năm 2026 sẽ tăng mạnh, dự kiến đạt 201.000 m2 sàn từ 13 dự án đi vào hoạt động.
Còn tại Hà Nội, Lotte Mall West Lake Hanoi vừa đóng góp 82.550 m2 vào tổng nguồn cung diện tích bán lẻ thành phố. Dự kiến đến hết năm 2023, sẽ có 2 trung tâm thương mại và 4 dự án khối đế thương mại với tổng diện tích hơn 47.000 m2.
Theo VARS, tại thị trường Hà Nội, giá thuê mặt bằng tầng trệt trong quý II/2023 tăng khoảng 2% so với quý I. Tại TP. Hồ Chí Minh, giá thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm tương đương quý trước nhưng đã tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022, đã có hơn 20 thương hiệu mở mới và mở rộng để tăng hiện diện trong khi nguồn cung mới khan hiếm.
Ngoài ra, Central Retail, nhà bán lẻ Thái Lan cũng công bố sẽ đầu tư thêm 20 nghìn tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới, đặt mục tiêu nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 600 cửa hàng.
Tập đoàn Aeon cũng đang lên kế hoạch xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội, doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, 100 AEON MaxValu Supermarket tại Hà Nội vào năm 2025.
Tuy nhiên, VARS cho biết, các nhãn hàng quốc tế đang ngày càng có yêu cầu khắt khe trong việc lựa chọn, để đáp ứng lượng lớn nhu cầu này, điều thị trường Việt Nam cần không đơn thuần là lượng mà còn là chất của mặt bằng bán lẻ.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho hay, trong lúc phân khúc nhà phố thương mại đang gặp khó khăn, mặt bằng bán lẻ tại các khu vực khối đế chung cư và trung tâm thương mại ở các thành phố lớn vẫn rất sôi động. Công suất cho thuê trong phân khúc này đạt trên 85% và giá thuê cũng tiếp tục tăng tại nhiều khu vực trung tâm.
Trong thời gian tới, nguồn cung trong phân khúc bán lẻ dự kiến sẽ tiếp tục tăng, những tháng cuối năm 2023, nguồn cung sẽ được bổ sung từ các dự án trung tâm thương mại quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu mở mới và mở rộng địa điểm kinh doanh của các “ông lớn” bán lẻ hàng đầu.
Cần bổ sung thêm nguồn cung hợp lý
Bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho rằng, công suất thuê bất động sản bán lẻ hiện nay phụ thuộc lớn vào việc liệu thiết kế của trung tâm thương mại hay khối đế bán lẻ có thể đáp ứng được nhu cầu ngày một khắt khe từ các nhãn hàng hay không.
Các dự án có mô hình bài bản và thiết kế hợp lý đang thu hút một lượng lớn nhãn hàng. Đơn cử như các trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng, thiết kế nội thất, kỹ thuật đạt chuẩn như Aeon Mall, Lotte Mall, The Loop by Takashimaya tại Indochina Plaza đều đạt tỉ lệ lấp đầy khá tốt.
Theo bà Minh, xu hướng mà các thương hiệu cao cấp lựa chọn thuê mặt bằng tại các thị trường trong khu vực và trên thế giới thường là đặt cửa hàng tại các mặt bằng phố mua sắm chính hoặc các trung tâm thương mại. Tại Việt Nam, các nhãn hàng cũng lựa chọn vị trí bán lẻ mặt phố trên trục phố đắt giá có vị trí đắc địa, diện tích và mặt tiền lớn, nhờ đó mà tập trung được vào nguồn khách hàng cao cấp.
Các nhãn hàng chuyên về thời trang, mỹ phẩm, đồ thể thao đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia xem Việt Nam là nước có triển vọng nổi bật nhất châu Á trong việc mở rộng quy mô cửa hàng trong các năm tới, đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
“Do vậy, để có thể tận dụng được lợi thế và sức hút của thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam đối với bán lẻ cao cấp, cần thiết phải bổ sung thêm nguồn cung hợp lý và xây dựng các mặt bằng đạt tiêu chuẩn quốc tế” – bà Minh nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong các thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn lớn trên toàn cầu. Thời gian qua, Việt Nam thu hút khá lớn các thương hiệu bán lẻ quốc tế đến. Do đó, đối với các nhà đầu tư thì thị trường bán lẻ Việt Nam được xem là tiềm năng trong việc đầu tư dài hạn. Những gian hàng tại các trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ sẽ được quan tâm hơn.
Theo: Vân Nam